Trường Đại học Hồng Đức: Hướng tới mô hình đại học thông minh, đổi mới sáng tạo

01/04/2023

Trường Đại học Hồng Đức đang hướng đến mục tiêu: trở thành trường đại học thông minh, đa ngành, đa lĩnh vực, là trung tâm lớn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có Logistics... của tỉnh, khu vực và cả nước.

 

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202302/Images/z4106114188502-3d5b3203c59a52f367d65ed98cb00333-20230222024808-e.jpg

PGS.TS. Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Nhà trường trao bằng thạc sĩ cho học viên K10

Dấu ấn tuổi 25 năm

Trong năm 2022, Trường Đại học Hồng Đức (ĐHHĐ) có thêm 3 nhà giáo được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư, 13 giảng viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nâng tổng số giảng viên có chức danh Phó Giáo sư lên 24 người, giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 170 người. Cơ sở vật chất tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ; cơ bản đáp ứng nhu cầu cho công tác quản lý, điều hành, đào tạo, nghiên cứu khoa học và nhu cầu nơi ở cho người học.

Năm 2022 cũng là năm ĐHHĐ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép mở mới 3 ngành đào tạo trình độ đại học gồm: Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Tin học và Chăn nuôi - Thú y; 1 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính và 1 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ: Quản trị Kinh doanh.

Cũng trong năm sinh viên ĐHHĐ gặt hái được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi quốc gia: 1 giải nhì, 6 giải ba tại kỳ thi Olympic Toán học sinh; giải nhì toàn đoàn và 2 giải nhì, 5 giải ba cá nhân tại cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ 14. Hoạt động khoa học công nghệ phát triển đột phá với hơn 70 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục Web of Science, Scopus. Bên cạnh đó, năm 2022, nhà trường có 10 đề tài, dự án cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu từng bước được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất và đời sống ở các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.

Đơn cử như: Giống ngô QT55 được Cục Trồng trọt cấp bằng Bảo hộ; sản phẩm Giường bệnh đa năng từ kết quả đề tài cấp tỉnh do nhà trường chủ trì đạt giải 3 giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam.

Đây cũng là năm ĐHHĐ phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu của Cộng hòa Liên bang Đức và các doanh nghiệp Singapore tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời kỳ hậu COVID-19”. Trường cũng hoàn thành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2, kiểm định chất lượng 8 chương trình đào tạo nâng tổng số chương trình đào tạo được kiểm định của nhà trường lên 14/34 ngành đào tạo (chiếm 27%). Tháng 9-2022, nhà trường được Viện ĐMST trao giấy chứng nhận 4 sao UPM.

Chuyển đổi số mà mục tiêu vươn tới

Nhận thức chuyển đổi số là con đường duy nhất nhằm hiện thực hóa mô hình đại học thông minh, đổi mới sáng tạo (ĐMST), thời gian qua, Trường ĐHHĐ đã, đang tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng các nền tảng, hạ tầng, thiết bị công nghệ để thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, nhà trường đã xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin, hạ tầng mạng, trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ, đường cáp quang tốc độ cao... với 400 máy tính kết nối internet tốc độ cao, 100% khu giảng đường có hệ thống wifi miễn phí. Xây dựng 1 phòng thí nghiệm khoa học máy tính; 1 phòng học thông minh với đầy đủ các thiết bị học tập tiện ích; 1 thư viện số với 120 máy tính kết nối vào hệ thống dữ liệu số quốc gia, tạo cơ sở dữ liệu lớn cho việc học tập, nghiên cứu khoa học của giảng viên, học viên, sinh viên...

Ngoài ra, Trường ĐHHĐ còn chú trọng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ giảng viên, sinh viên khởi nghiệp, ĐMST, từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường. Trong đó thường niên tổ chức các cuộc thi, hội thi, như: Ý tưởng sáng tạo, Festival kinh tế, sinh viên khởi nghiệp... thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Quan tâm mở rộng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng lao động... Đặc biệt, năm 2022, Trường ĐHHĐ là một trong số ít các trường ĐH trong cả nước đưa 2 học phần Chuyển đổi số và Khởi nghiệp ĐMST vào giảng dạy đối với tất cả các chương trình đào tạo trình độ ĐH (bắt đầu từ khóa đào tạo K25); nhà trường cũng hoàn thành xây dựng Đề án thành lập “Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thanh Hóa” trình UBND tỉnh phê duyệt.

PGS.TS. Bùi Văn Dũng - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường ĐHHĐ cho biết, mục tiêu phấn đấu của Nhà trường là trở thành trường đại học thông minh, đa ngành, đa lĩnh vực, là trung tâm lớn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực ngành Logistics, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và ĐMST của tỉnh, khu vực và cả nước.

Theo Quyết định số 153/QĐ-TTg, ngày 27/2/2023, của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045" nêu rõ: Xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; Trung tâm logistics cấp tỉnh tại khu vực phía Tây TP. Thanh Hóa, với quy mô tối thiểu khoảng 10 ha và Trung tâm logistics tại Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, với quy mô tối thiểu khoảng 20 ha. 

* Hiện nay cả nước mới có khoảng hơn 20 trường đào tạo chuyên ngành Logistic. Tại Thanh Hóa đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở giáo dục nào đào tạo chuyên ngành này. Tuy nhiên, Trường ĐHHĐ đã đưa vào giảng dạy từng phần kiến thức trong chuỗi logistic và đang xây dựng đề án đào tạo chuyên ngành logistic nhằm đáp ứng nhu cầu của Thanh Hóa, với vị trí là một cực tăng trưởng trong "tứ giác" tăng trưởng Thanh Hóa - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Nguồn: https://vlr.vn/truong-dai-hoc-hong-duc-thanh-hoa-huong-toi-mo-hinh-dai-hoc-thong-minh-doi-moi-sang-tao-11045.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalomsg&B.hidePostFeed=true&zarsrc=30&utm_campaign=zalo

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN